Bên cạnh hình thức mua sắm online tại các siêu thị, sàn TMĐT và siêu ứng dụng, người dân còn tìm đến “chợ chung cư” vì tính tiện lợi và dễ dàng tìm thấy nhiều mặt hàng dân dã.
Khoảng 3 tuần trở lại đây, Thùy Dương (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) giảm dần thói quen đi siêu thị.
Dương nhận được tờ rơi quảng cáo bán hàng của những cư dân khác sống cùng chung cư, với đa dạng mặt hàng, từ đồ ăn, thức uống chế biến sẵn, đến các loại thịt, cá, rau, củ, trái cây. Hầu hết sản phẩm là tự làm hoặc mang từ quê lên nên Dương và gia đình rất thích thú.
Cứ vậy, Dương tìm đến nhóm cư dân chung cư trên mạng xã hội, nơi mọi người còn gọi là “chợ online chung cư”, để mua nhiều mặt hàng độc đáo hơn.
“Chợ chung cư”: Tiện lợi, dân dã
Khoảng 17h30 mỗi ngày, chị Tường Vân (38 tuổi) lại đẩy xe hàng đầy rau xanh đi khắp các tầng của chung cư 1050 Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Rau lấy từ vườn thủy canh của em gái chị ở Đồng Nai, với nhiều giống lạ khó tìm thấy trên thị trường, nên giá cả cao hơn sản phẩm trên thị trường một chút.
“Các gia đình ở đây mua nhiều lắm, hàng chất lượng mà lại bán tận cửa nhà, họ bảo tiện. Tôi bán 2 năm rồi, cũng có lượng khách quen ổn định. Đến đợt dịch Covid-19 thì thấy bán ổn hơn vì người ta ở nhà nhiều”, chị chia sẻ.
Cũng bán hàng cho cư dân trong chung cư nhưng chị Hoàng Đông ở chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại chọn cách rao bán online trên trang cá nhân và “chợ online chung cư” trên mạng xã hội suốt 3 năm qua.
“Chợ online chung cư” này có đến 34,5 nghìn thành viên với những quy định nghiêm ngặt khi đăng bài, thậm chí còn cấp loại hóa đơn riêng có ghi rõ mã cửa hàng để đảm bảo quyền lợi cho các cư dân mua hàng.
Chị Hoàng Đông cho hay hình thức bán hàng này khá hiệu quả, có thể lên đến 20-30 đơn hàng mỗi ngày tùy sản phẩm. Đặc biệt, nhu cầu của cư dân đối với các mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm tăng cao trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chị Phúc, một người mới tập tành bán hàng trên các “chợ online chung cư” ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) từ khi dịch bùng phát, cũng cho biết, chỉ bán vào thứ bảy hàng tuần nhưng bán được 40 đơn hàng mì quảng mỗi ngày. Nhận thấy tiềm năng của kênh bán hàng này, nay chị bán thêm một số loại trái cây từ quê và bánh tự làm.
Đối với Thùy Dương, mua bán trên “chợ chung cư” tạo cảm giác tiện lợi và thú vị trong những ngày “giãn cách xã hội” này.
“Người bán đa số sống ở khu này và tự giao hàng đến tận nhà nên tôi cảm thấy yên tâm hơn so với mua online thông thường, chưa kể đâu phải lúc nào cũng dễ mua những món quà quê như vậy. Đôi khi mua quen rồi thì mỗi ngày có món gì ngon, người bán lại giới thiệu và giao đến, tôi không cần lo nghĩ ‘hôm nay ăn gì’ nữa”, chị nói.
Muôn vàn hình thức đi chợ bùng nổ
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng tạo cơ hội cho nhiều hình thức mua sắm nhu yếu phẩm khác, như mua hàng siêu thị qua điện thoại, Zalo, Viber, hay sử dụng các dịch vụ đi chợ hộ của Grab, Now, Bách Hóa Xanh… Lazada mới đây cũng mở thêm ngành hàng thực phẩm tươi sống, còn Tiki miễn phí giao hàng nhanh trong 2 giờ đối với nhu yếu phẩm.
Theo khảo sát mới nhất từ Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của Covid-19 được thực hiện từ ngày 9-15/3, hơn 50% người dân cho biết đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu, 39% người mua sắm online nhiều hơn. Đặc biệt, trong một nghiên cứu khác của hãng này, 62% đáp viên khẳng định sẽ tiếp tục duy trì thói quen ăn uống tại nhà dù dịch bệnh qua đi.
“Lối sống ăn uống khỏe mạnh sẽ vẫn quan trọng hơn đối với người tiêu dùng so với trước đây, họ kỳ vọng thưởng thức bữa tối tại nhà nhiều hơn”, bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết. Do đó, bà cho rằng các nhà bán lẻ nên khai thác sâu các kênh trực tuyến, giao hàng và phát triển các dịch vụ đa kênh để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Nhiều hình thức mua sắm nhu yếu phẩm ra đời và phát triển mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19. Ảnh: Central Retail.
Theo anh Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc thương mại của Worldpanel Division, Kantar Việt Nam, về lâu dài, quyết định lựa chọn kênh mua sắm của người tiêu dùng còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là tính tiện lợi và giá cả đi kèm với chất lượng, phù hợp với túi tiền.
Sự tiện lợi có thể được nhìn nhận trên nhiều góc độ. Nói về yếu tố gần nhà, có thể thanh toán và nhận hàng nhanh, thì chợ và các mô hình siêu thị phù hợp hơn, trong khi các kênh trực tuyến giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm thông tin sản phẩm và không mất thời gian di chuyển.
Xét về tương quan giữa giá cả và chất lượng, anh Nguyễn Huy Hoàng cho rằng đối với các mặt hàng như mỹ phẩm hoặc đồ cho bé, người tiêu dùng có xu hướng đến cửa hàng chuyên kinh doanh hoặc mua online, còn nhu yếu phẩm được ưu tiên mua tại chợ, tạp hóa, siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi.
Cũng vì 2 yếu tố này, xu hướng mua sắm đa kênh ngày càng phát triển. Anh nhận định kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát, người tiêu dùng vẫn ưu tiên những điểm bán đa dạng hình thức mua hàng để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Theo Zingnew