Các chế phẩm tinh tế được làm từ những quả chanh xanh của Công ty Chanh Việt
Cây chanh được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (chiếm gần 60% tổng diện tích chanh cả nước). Trong những năm gần đây, cây chanh ở Long An đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân. Hiện Long An có diện tích chanh lớn nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích 9.438 ha chanh, đạt 94,4% kế hoạch (10.000ha), bằng 105,8% so cùng kỳ năm 2017, trong đó có 7.374 ha cho trái, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa.
Những năm gần đây, tỉnh Long An đã đẩy mạnh tiêu thụ chanh ở trong nước và xuất khẩu tăng, vì vậy trên địa bàn tỉnh Long An đã hình thành một chuỗi cung ứng từ người trồng chanh đến thương lái và các công ty xuất nhập khẩu, mang lại hiệu quả cao cho ngành hàng chanh và chanh Việt Nam đã có mặt trên thị trường của nhiều quốc gia vùng Châu Á, Trung Đông và đặc biệt là Cộng đồng Châu Âu (EU). Tuy nhiên, trước những cơ hội lớn, ngành hàng chanh tỉnh Long An còn đang và sẽ đối mặt với rất nhiều thử thách như: tổ chức sản xuất và quy hoạch, sản lượng chanh đạt chất lượng cao theo các tiêu chuẩn GAP còn thấp, thị trường xuất khẩu và các doanh nghiệp xuất khẩu chanh còn yếu về quy mô lẫn năng lực cạnh tranh, giá thành sản xuất chưa ở mức cạnh tranh (do ảnh hưởng của điều kiện sinh thái, biến đổi khí hậu và giống), các yếu tố phụ trợ như đường giao thông thủy và bộ còn yếu kém, hệ thống kho lạnh và sơ chế còn thiếu và thô sơ, chuỗi giá trị chanh còn khá dài qua nhiều trung gian và liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi còn thấp…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An có một số doanh nghiệp thu mua chanh cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, chủ yếu là Công ty Fruit Republic, Doanh nghiệp Nguyên Loan và Doanh nghiệp Vicalimes với năng lực kinh doanh ước tính 30-50 ngàn tấn/năm (chanh không hạt) và chanh có hạt (15 ngàn tấn/năm) của các doanh nghiệp và đại lý thu mua nhỏ (Công ty Vicalimes bình quân tiêu thụ từ 9.000-12.000 tấn/năm; Công ty Nguyên Loan: 3.000-5.000 tấn/năm; Công ty Fruit Republic: 7.500-15.000 tấn/năm. Thương lái xuất khẩu thị trường Campuchia: 2.500-4.000 tấn/năm).
Tình hình tiêu thụ trái chanh
Tiêu thụ trong nước
Chanh có 2 vụ/năm, chanh trái vụ (trong mùa khô) giá tăng từ 35 – 45% so với chính vụ (trong mùa mưa). Sau khi trồng từ 18 – 20 tháng bắt đầu thu hoạch, với năng suất vụ đầu đạt khoảng 15-20 tấn/ha. Đến năm thứ hai, thứ ba năng suất đã tăng lên 25 – 35 tấn/ha (có vườn đạt 40 tấn/ha), lãi trung bình từ 150 – 300 triệu đồng/ha. Trung bình mỗi cây mang 1.000 trái/năm, khoảng 70-100 kg/cây/năm. Chanh không hạt trái to, 6-7 quả/kg. Chu kỳ sinh trưởng của chanh không hạt có thể trên 10 năm.
Chanh được xem là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Hiện giá chanh không hạt từ 4.000-4.500 đồng/kg, chanh có hạt từ 5.000-6.000 đồng/kg.
Trong nhóm chanh, hiện chanh leo (chanh dây) là mặt hàng nông sản có tiềm năng rất tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh miền núi. Chanh leo đang là loại trái cây được rất nhiều thị trường quan tâm và liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây bởi giàu chất chống ôxy hóa, giàu vitamin và chất xơ, có tác dụng tốt cho sức khỏe. Chanh leo ở dạng tươi cũng như sản phẩm chế biến đều rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hàng năm, thế giới sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn chanh leo tươi, trong đó chủ yếu là các nước lớn Braxin, Indonesia, Ấn Độ, Côlômbia.
Ở Việt Nam, chanh leo đã được du nhập từ những năm 90, thích nghi tốt và dần phát triển rộng ra nhiều tỉnh trong cả nước, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Đến 2005 – 2008, có khoảng 500 ha được trồng thương mại ở Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk; 2009 – 2014 tăng lên đến 2.000 – 3.000 ha. Đến nay, chanh leo đang được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên, Nghệ An, Hòa Bình và Sơn La với diện tích khoảng 5.000 ha, trong đó Gia Lai, Kon Tum: 2.500 ha, Lâm Đồng: 1.000 ha: Đăk Lăk, Đăk Nông, Nghệ An, Tây Bắc khoảng 1.500 ha. Năng suất chanh leo trung bình vùng Gia Lai, Kon Tum là 50 – 60 tấn/ha; vùng Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông: 35 – 40 tấn/ha; Nghệ An, Sơn La: 25 – 30 tấn/ha…
Thị trường xuất khẩu chanh
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, 11 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu chanh của Việt Nam đạt 114,3 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả của cả nước. Ước tính kim ngạch xuất khẩu chanh của Việt Nam trong năm 2018 đạt 122,7 triệu USD, giảm 14% so với năm 2017.
Thị trường xuất khẩu: 11 tháng năm 2018, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái chanh lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33,5%, tiếp đến Hà Lan chiếm 21,9%, UAE chiếm 13,3%, Pháp chiếm 10,4% và các thị trường khác chiếm 25,4% trong tổng xuất khẩu chanh của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu chanh của Việt Nam sang các thị trường lớn đều giảm như Trung Quốc giảm 31,7%, Hà Lan giảm 21,9%, UAE giảm 21%, duy chỉ có xuất khẩu chanh sang Pháp tăng mạnh, tăng 52,5% so với 11 tháng năm 2017.
Sau bốn thị trường xuất khẩu chanh lớn của Việt Nam trong 11 tháng năm 2018, các thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt như Oman tăng 281,7%, Hàn Quốc tăng 28,6%, Maldives tăng 23,8%, Qata tăng 355,3%, Singapore tăng 17,6%, Nhật Bản tăng 1.868,2%, Baren tăng 100,2%, Nga tăng 176,5%, Malaysia tăng 33,9%, Anh tăng 149,6%…, trong khi đó một số thị trường giảm như Đài Loan giảm 41,2%, Thuỵ Sỹ giảm 38%, Mỹ giảm 21,5%, Philippin giảm 23,7%, Israel giảm 22%, Bồ Đào Nha giảm 7,1%… so với cùng kỳ năm 2017.
Chủng loại xuất khẩu: Trong 11 tháng năm 2018, chanh leo và chanh là hai sản phẩm chính xuất khẩu của Việt Nam, trong đó chanh leo chiếm tỷ trọng 57,1%, chanh chiếm 42,9% trong tổng xuất khẩu chanh của Việt Nam trong 11 tháng năm 2018.
Định hướng phát triển trái chanh trong thời gian tới
Trên thị trường thế giới hiện nay, chanh leo là một trong bốn loại trái cây có nhu cầu cao. Nhu cầu đối với chanh leo tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm; với nước ép chanh leo cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm. Do đó, tiềm năng xuất khẩu chanh leo của Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu chanh leo phục vụ tiêu dùng trong nước cũng là thị trường rất rộng. Những đơn vị tiên phong và có đóng góp trong việc phát triển sản xuất và xuất khẩu chanh leo của Việt Nam hiện nay phải kể tới một số đơn vị tại phía Bắc như Công ty Thực phẩm Xuất Khẩu Đồng Giao (Ninh Bình), Tập đoàn Nafood (Nghệ An)…
Thị trường xuất khẩu chanh được mở rộng, giảm dần vào thị trường Trung Quốc
11 tháng năm 2018, xuất khẩu mặt hàng chanh của Việt Nam sang Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất giảm mạnh, do Trung Quốc siết chặt truy xuất nguồn gốc của mặt hàng chanh dây nên đã ảnh hưởng tới tổng xuất khẩu chanh của Việt Nam sang thị trường này. Hiện Trung Quốc đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm đồng thời siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch…do đó xuất khẩu mặt hàng chanh của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu chanh của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Oman, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Baren…, đặc biệt đẩy mạnh xuất khẩu sang Pháp – hiện là thị trường xuất khẩu chanh lớn thứ 4 của Việt Nam.
Vào cuối tháng 11/2017, lần đầu tiên trái chanh leo tươi của Việt Nam xuất sang châu Âu – thị trường khó tính với những quy định khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Nafoods Tây Bắc tiến hành đóng gói 2 tấn chanh leo quả tươi đầu tiên để chuyển xuất khẩu sang bán tại Pháp bằng đường hàng không. Và hiện Pháp là một trong những thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu chanh leo của Việt Nam.
Phát triển chanh leo sạch theo hướng chuyên canh tập trung và sản xuất an toàn
Đổi đời nhờ trồng chanh leo tím. Từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) hỗ trợ 1 tỷ đồng, Hợp Tác Xã (HTX) Hòa Cường đã khai phá đất đồi để trồng chanh leo. Sau gần 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp người dân vùng biên nâng cao thu nhập.
Những ngày đầu tháng 10/2018, tại xã Tân Việt, huyện Văn Lãng với khu đồi rộng hơn 6 ha dọc theo tuyến Quốc lộ 4A trồng giống chanh leo tím Đài Loan hiện đang cho thu hoạch. Để có được sự đổi thay ấy là cả sự nỗ lực của những thành viên HTX nông nghiệp Hòa Cường và hiệu quả từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc, hiện nay, vườn chanh leo phát triển tốt, sai quả, mẫu mã đẹp và cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Đến nay, HTX đã thu hoạch được trên 20 tấn quả, với mức giá bán dao động từ 15 – 35 nghìn đồng/kg. Doanh thu tính đến thời điểm này đạt khoảng 600 triệu đồng. Năm 2018, dự kiến sản lượng chanh leo của HTX ước đạt trên 30 tấn quả tươi.
Cùng với các mặt hàng cây ăn quả chủ lực, xuất khẩu tươi như thanh long, xoài, nhãn, vải…, hàng loạt các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam đã và đang có mặt trên thị trường quốc tế. Trong đó, chanh leo chế biến đang là cây trồng còn nhiều tiềm năng, nhất là tại các tỉnh miền núi của Việt Nam. Việc Tập đoàn Nafood đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chanh leo và các sản phẩm rau củ quả tại một tỉnh miền núi như Sơn La đã lần đầu tiên đánh dấu sự vươn lên của mặt hàng rau quả nói chung, trong đó có chanh leo tại các tỉnh vốn còn nhiều dư địa cho mặt hàng rau quả như Trung du miền núi phía Bắc nước ta.
Để có chanh leo sạch, nông dân thị trấn Nông trường Mộc Châu trồng theo hướng chuyên canh tập trung và sản xuất an toàn. Vườn chanh được tưới đều đặn hàng ngày bằng hệ thống vòi phun. Nhờ điều kiện thích hợp, cây chanh leo nhanh chóng bén rễ và phát triển xanh tốt trên đất đồi cao nguyên. Chỉ nhờ nước tưới và phân hữu cơ, sau khoảng 4 tháng trồng có thể cho ra vụ đầu tiên và sau 3 năm cho quả, người trồng mới cần thay gốc.
Việc đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát theo chuỗi và đáp ứng nguyên tắc xuất khẩu là điều kiện để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. Nắm vững những điều đó, Nafoods đã tiên phong trong lĩnh vực trồng, bảo quản và đóng gói theo quy trình khép kín, kỹ thuật hiện đại, đạt chuẩn Global Gap. Có thể nói trong chuỗi giá trị của Nafoods, nhà máy tại Sơn La là một trong những nhà máy tiêu điểm, thông qua nhà máy này thì các sản phẩm của chanh leo của Sơn La qua nhiều công đoạn chế biến sẽ tiếp cận được thị trường cấp cao nhất. Chanh leo của Sơn La đã có mặt tại thị trường châu Âu đã đánh dấu một bước ngoặt mới tạo dựng thương hiệu Chanh leo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, chuỗi giá trị nông nghiệp cạnh tranh toàn cầu bao gồm giá trị khép kín, bền vững, trồng trọt, chế biến và tiêu thụ, mang lại sự chủ động cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của các thương hiệu. Sau 2 năm được trồng trên đất Sơn La, đến nay vùng nguyên liệu của Nafoods Tây Bắc có gần 700 ha chanh leo, dự kiến đến năm 2021 sẽ phát triển ổn định bền vững với quy mô 5000 ha. Việc chanh leo Sơn La được cấp chứng chỉ GlobalGAP và xuất khẩu 3 tấn chanh leo tươi đầu tiên sang thị trường Pháp và Thụy Sỹ được coi là giấy thông hành để đưa quả chanh leo chinh phục những thị trường khó tính nhất.
Đến năm 2020 hướng mục tiêu phát triển diện tích cây chanh của tỉnh Long An lên 11.000 ha xuất khẩu theo hướng VietGAP và GlobalGAP
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển diện tích cây chanh lên 11.000 ha đến năm 2020. Trong đó, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng phát triển kinh tế tập thể, sản xuất theo hướng VietGAP và GlobalGAP nhằm giúp nông dân có đầu ra ổn định, đưa sản phẩm chanh đến với thị trường trong và ngoài nước.
Trong đó, huyện Bến Lức xác định mở rộng diện tích cây chanh lên 5.000 ha chủ yếu là chanh không hạt, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng phát triển kinh tế tập thể, giúp nông dân có đầu ra ổn định đưa sản phẩm chanh Bến Lức đến với thị trường thế giới. Đồng thời, huyện Bến Lức cũng sẽ nỗ lực tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Mục tiêu là hình thành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, mô hình chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm chanh an toàn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện bền vững.
Xác định cây chanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở các xã vùng cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế, các ngành chuyên môn ở huyện Bến Lức đã thường xuyên tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, chủ trương hướng nông dân vào sản xuất kinh tế hợp tác. Từ cuối năm 2011, huyện Bến Lức đã xây dựng thương hiệu độc quyền chanh Bến Lức. Chính quyền địa phương và các cấp, các ngành trong huyện cũng đã xúc tiến tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cây chanh, mở rộng các mối quan hệ hợp tác đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đến đặt các cơ sở thu mua, chế biến trái chanh trên địa bàn huyện.
Đối với cây chanh, Bến Lức hiện có 5.470 ha đất trồng chanh, tăng 752 ha so với cuối năm 2017, tổng sản lượng đạt 77.344 tấn. Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện tăng diện tích chanh được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP lên 1.200 ha xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cây chanh.
Để đạt kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Hình thành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, mô hình chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm chanh an toàn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm trái chanh. Đầu tư, phát triển các chế phẩm từ chanh, nhằm nâng cao giá trị kinh tế, ổn định đầu ra cho trái chanh mang thương hiệu cao.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An có trên 30 doanh nghiệp thu mua chanh, phần lớn để xuất khẩu và có khoảng 200 ha chanh sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.